Hotline: 02462.926.557

Hướng dẫn các động tác xoa bóp điều trị đau lưng hiệu quả

1. Tác dụng của xoa bóp trong chữa đau lưng
Xoa bóp có thể hiểu đơn giản là một loại kích thích vật lý tác dụng lên một số vị trí trên cơ thể và tạo ra một số những thay đổi có lợi cho cơ thể như: giảm sưng đau, thư giãn toàn thân, lưu thông khí huyết, ảnh hưởng tích cực đến nhiều cơ quan bộ phận khác nhau trong cơ thể.

Xoa bóp có tác dụng rất tốt và được sử dụng nhiều nhất trong điều trị bệnh về cơ xương khớp, đặc biệt là trong điều trị đau lưng. Ít nhiều có tác dụng đối với đau thần kinh tọa hoặc đau do thoát vị đĩa đệm nhẹ.
 
 
Vậy xoa bóp điều trị đau lưng có tác dụng như thế nào?
1.1. Giảm các triệu chứng đau lưng
Quá trình xoa bóp làm ấm các vùng cơ thể, cụ thể là vùng thắt lưng từ đó giúp làm mềm cơ, tăng cường lưu thông máu, giảm chèn ép nhờ đó làm giảm mức độ của các cơn đau.

1.2. Cải thiện và làm tăng tính co giãn, hoạt động của gân khớp
Nhờ có xoa bóp, hệ cơ quanh vùng bị đau được mềm và giãn ra từ đó các gân khớp, dây chằng quanh khớp được giải phóng khỏi sự chèn ép, tăng tính đàn hồi, tăng tiết dịch khớp từ đó làm tăng sự linh hoạt của khớp.

1.3. Xoa bóp điều trị đau lưng giúp hạn chế quá trình thoái hóa khớp
Quá trình thoái hóa khớp xảy ra do rất nhiều nguyên nhân như tuổi tác, chấn thương, các bệnh xương khớp… dẫn đến phá hủy sụn khớp gây thoái hóa khớp.
Quá trình xoa bóp sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cường trao đổi chất, giúp việc vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể, đặc biệt là sụn khớp được dễ dàng hơn. Khi sụn khớp được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ làm chậm lại quá trình thoái hóa khớp.
Ngoài ba tác dụng chính ở trên, xoa bóp điều trị đau lưng còn giúp giảm căng thẳng thần kinh, giúp thư giãn, cải thiện chất lượng giấc ngủ… khiến việc điều trị bệnh đau lưng có nhiều tiến triển khả quan.

2. Chỉ định và chống chỉ định khi xoa bóp
2.1. Chỉ định
Những bệnh nhân đau, mỏi lưng hoặc vai gáy: Xoa bóp giúp giảm đau nhanh chóng các vùng bị đau
Người bị co cứng cơ: Xoa bóp làm mềm cơ và giảm tình trạng co cứng cơ
Những bệnh nhân có dấu hiệu stress do công việc hay bệnh tật… Khi các dây thần kinh không bị chèn ép, cộng với việc giảm đau sẽ làm cải thiện sức khỏe thần kinh, giúp bệnh nhân thấy thoải mái hơn, giảm căng thẳng, stress.

2.2. Chống chỉ định
Xoa bóp mang lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên một số đối tượng được khuyến cáo tuyệt đối không nên sử dụng phương pháp này như:
Bệnh nhân mắc bệnh suy tim, suy thận
Bệnh nhân mắc bệnh ác tính
Những người mắc bệnh dễ chảy máu
Phụ nữ có thai
Không xoa bóp ở những vị trí dễ tổn thương

Khi sử dụng phương pháp xoa bóp cho những đối tượng trên sẽ gây nguy hiểm và làm nặng thêm tình trạng bệnh của mình như là đứt hoặc vỡ mạch máu, làm tăng mức độ viêm, tăng các cơn đau, hay có ảnh hưởng xấu đến thai nhi…
 
Đây là những đối tượng rất đặc biệt và sẽ có những liệu pháp và phác đồ trị liệu riêng dưới sự theo dõi và hướng dẫn của bác sĩ.

3. Các động tác xoa bóp điều trị đau lưng tại nhà
3.1. Các động tác trong xoa bóp điều trị đau lưng
Có 19 động tác cơ bản trong xoa bóp điều trị đau lưng được chia làm 4 nhóm động tác:
Các động tác tác động lên da: xoa, xát, miết, phân, hợp, véo, vỗ
Các động tác tác động lên cơ: day, lăn, chặt, đấm, bóp, vờn
Các động tác tác động lên huyệt: bấm, âm, điểm
Các động tác tác động lên khớp: vê, vận động, rung
Điều trị bệnh bằng phương pháp xoa bóp không nhất thiết phải sử dụng hết tất cả 19 động tác trên, thường chỉ kết hợp sử dụng một số động tác thực sự có tác dụng đến vùng cần chữa bệnh.
 

3.2. Các động tác cơ bản điều trị đau lưng
Trong xoa bóp điều trị đau lưng thường sử dụng 11 động tác cơ bản sau:

3.2.1. Xoa
Sử dụng gan bàn tay xoa đều trên da khắp vùng da của người bệnh theo hình tròn, xoa nhẹ nhàng sao cho da người bệnh không di chuyển theo tay người thực hiện. Xoa nhẹ nhàng trên vùng lưng của người bệnh giúp làm ấm vùng da, lưu thông khí huyết, giảm sưng, giảm đau

3.2.2. Xát
Sử dụng lực ma sát ở lòng hoặc gan bàn tay để chà xát lên da người bệnh với lực rất nhẹ tạo thành sức nóng. Thực hiện động tác xát theo hướng thẳng đứng, dùng gốc gan bàn tay xát đều khắp vùng lưng giúp làm nóng, làm giảm đau, giảm sưng đồng thời tăng sự dẻo dai cho vùng lưng. Có thể sử dụng thêm dầu để làm trơn da.  

3.2.3. Miết
Dùng mu bàn tay để thực hiện động tác miết, đẩy phần da của người bệnh theo hướng lên trên, xuống dưới hoặc sang ngang. Phần da tiếp xúc với tay căng, phía trước chùng, tay chuyển động và kéo căng da người bệnh, đường sau chồng lên đường trước.
Đối với phần lưng: xoa 2 tay vào nhau cho nóng lên, đặt tay ở giữa thắt lưng và miết đẩy từ trên xuống 5 – 10 lần, sau đó miết từ trái sang phải 5 – 10 lần.

3.2.4. Phân
Dùng đầu các ngón tay hoặc mô ngón tay út của cả hai tay, từ một điểm phân sang hai bên theo hướng ngược nhau.
Có thể chạy trên da người bệnh khi hai tay phân ra và đi cách xa nhau hoặc dính vào da, kéo da căng về 2 phía ngược nhau khi hai tay phân ra và cách nhau không xa. Khi phân, luôn ấn xuống da một lực đều nhau từ đầu đến cuối.

3.2.5. Hợp
Dùng đầu các ngón tay hoặc mô ngón tay út của cả hai tay từ hai bên hợp lại một điểm. Hai tay từ hai hướng hợp về một điểm, là động tác trái ngược với động tác phân nhưng chúng thường được sử dụng phối hợp cùng nhau.
Động tác phân giúp tăng cường lưu thông khí, trợ chính khí, bình can giáng hỏa. Hai động tác phân và hợp thường được thực hiện đồng thời với nhau.

3.2.6. Vuốt hay vờn
Chụm đầu ngón tay lại, dùng bốn đầu ngón tay và gốc bàn tay bám vào vùng cơ lưng, hai tay đẩy theo chiều ngược nhau keo theo da thịt vùng tác động chuyển động theo. Thực hiện động tác nhẹ nhàng từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.

3.2.7. Bóp
Hai bàn tay đặt ở 2 bên thắt lưng, ngón cái ở hai cạnh bên, 4 ngón còn lại ở trên cột sống, dùng lực bóp vào 2 bên cơ lưng, vừa bóp vừa kéo thịt lên. Thực hiện động tác trong khoảng 3 phút.
Đây là động tác mạnh nhất tác dụng trực tiếp vào vùng bị đau giúp khai thông những vùng khí huyết bị tắc, tán hàn, giảm đau hiệu quả. Khi thực hiện động tác cần căn cứ vào tình trạng bệnh của bệnh nhân mà sử dụng lực tác động phù hợp, tránh gây thêm tổn thương cho vùng lưng.

3.2.8. Day
Dùng sức ở gốc bàn tay ấn xuống vùng lưng bị đau và day theo hình vòng tròn hoặc tay đặt trên hông, dùng sức đầu ngón tay cái ấn xuống và day tròn theo chiều kim đồng hồ sau đó day ngược lại. Động tác này giúp chỉ thống, khu phong, giảm sưng đau đồng thời giúp tăng cường tiêu hóa.

3.2.9. Đấm
Nắm tay lại, dùng mu bàn tay đấm trực tiếp đồng thời vào 2 bên thắt lưng giúp tán hàn, khu phong, thông khí huyết. Đấm từ 15 – 20 lần mỗi bên.

3.2.10. Bấm
Sử dụng lực của ngón tay, gốc gan bàn tay, mô ngón tay cái hoặc mô ngón tay út ấn vào một điểm hoặc huyệt. Với các chứng đau lưng, đặt hai tay bên hông, ngón tay cái đặt trên lưng. Lực bấm từ từ tăng dần đến khi thấy tức nặng thì dừng lại trong 1 phút, sau đó từ từ thả tay ra.

3.2.11. Phát hay vỗ
Thường hay được sử dụng trong xoa bóp điều trị đau lưng với mục đích thông kinh lạc, giúp giảm căng cơ, cứng cơ, làm mềm cơ quanh vùng lưng bị đau, cải thiện khả năng hoạt động. Động tác này thường được thực hiện cuối cùng để điều hòa, thư giãn toàn bộ vùng lưng, kết thúc quá trình xoa bóp điều trị đau lưng.

Tags: xoa bóp bấm huyệtbấm huyệt bằng máy điện dung

02462.926.557